Văn hóa Nhật Bản qua lăng kính lễ hội đón năm mới

danh-sach-top-5-sim-gia-re-o-nhat-ban
Van-hoa-Nhat-Ban-qua-lang-kinh-le-hoi-don-nam-moi
Văn hóa Nhật Bản

Văn hóa Nhật Bản qua lăng kính lễ hội đón năm mới

thong-bao-tokyodayroi Hướng dẫn cách tạo CV tiếng Nhật online xem tại đây.

Lễ hội là nét văn hóa tiêu biểu của mỗi quốc gia, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại và cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu góp phần tạo nên bản sắc dân tộc độc đáo. Nhật Bản được biết đến với đa dạng mùa lễ hội, tuy nhiên lễ đón năm mới được xem là sợi dây liên kết cộng đồng lâu đời và quan trọng nhất trong lịch sử nước Nhật. Cùng khám phá nét đặc trưng văn hóa Nhật Bản qua lễ đón năm mới đặc biệt này nhé.

Tết Của Người Nhật Rơi Vào Thời Gian Nào?

Khác với các quốc gia châu Á khác, lễ hội đón năm mới, hay còn được biết đến là Tết truyền thống Nhật Bản, diễn ra từ  01-03/1 dương lịch hàng năm, khoảng thời gian này được gọi là Oshogatsu. Như vậy, 3 ngày đầu tiên của năm mới là thời gian người Nhật đón tết cổ truyền nhưng hoạt động lễ hội luôn được nô nức chuẩn bị từ trước đó rất lâu.

Giống với tết Việt Nam, trước thềm năm mới người Nhật cũng có thói quen tổng vệ sinh nhà cửa để đón một cái Tết khang trang. Hoạt động này thường được thực hiện trước ngày đón năm mới 1-2 tuần.

Bên cạnh đó, trang trí nhà cửa đón Tết là điều không thể thiếu của mỗi gia đình người Nhật. Bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy Shimenawa được treo trước nhà để xua đuổi tà khí, bó Kadomatsu đặt trước cửa để đón thần năm mới hay Wakazari được treo nơi gian bếp để tạ ơn thần nước và lửa đã mang đến những bữa cơm gia đình đầm ấm. 

dac-trung-van-hoa-nhat-banShimenawa treo trước cửa nhà để xua đuổi tà mà - Nguồn: bittersweet.asia

dac-trung-van-hoa-nhat-ban
Kadomatsu đặt trước cửa nhà người Nhật trong dịp năm mới- Nguồn: nhatngusanko.com

dac-trung-van-hoa-nhat-ban
Wakazari treo ở bếp để cám ơn về những bữa ăn ấm no - Nguồn: trungtamduhocnhat.com

Người Nhật Làm Gì Vào Đêm Giao Thừa?

Joya No Kane - Khai Chuông Giao Thừa Tiễn Đưa Năm Cũ

Lắng nghe tiếng chuông chùa vào lúc nửa đêm – thời khắc giao thoa giữa năm mới và năm cũ là một nét đẹp trong văn hóa người Nhật. Trong đêm trừ tịch này, khi những khó khăn muộn phiền của năm cũ đã ở phía sau, những bữa tiệc cuối năm đã qua đi thì đây là lúc người dân dọn lòng thanh tịnh để đón một năm mới bình yên và hạnh phúc đang đến qua thanh âm vang vọng của tiếng chuông chùa.

dac-trung-van-hoa-nhat-ban
Nghi thức khai chuông giao thừa là nét đẹp văn hóa đặc sắc của Nhật Bản - Nguồn: vietnammoi.vn

Vào đúng thời khắc giao thừa, tháp chuông của tất cả ngôi đền ở Nhật sẽ rung lên 108 lần. Con số này tượng trưng cho 108 điều ham muốn trần tục của con người với mong muốn tiếng chuông thanh thoát này sẽ giúp mọi người soi thấu nội tâm, rũ bỏ muộn phiền để hướng đến năm mới thanh bình.

Thưởng Thức Toshikoshi Soba

Nhiều người Nhật vừa lắng nghe tiếng chuông chùa vừa húp mì soba nóng với mong muốn năm mới nhiều sức khỏe. Món ăn truyền thống này là biểu tượng của sự trường thọ và khỏe mạnh mà bất kỳ người Nhật nào cũng yêu thích.

dac-trung-van-hoa-nhat-ban
Ăn mì soba cầu mong sức khỏe cho năm mới - Nguồn: forum.duolingo.com

Hatsuhinode  - Đón Ánh Dương Đầu Tiên Trong Năm Mới

Với người Nhật, bình minh đầu tiên của năm mới là khoảnh khắc mà ai cũng muốn nắm bắt để có một hành trình 365 ngày mới an yên và nhiều phước lành. Nghi thức ngắm mặt trời mọc này có từ thời Meiji Era (1868 – 1912) trong truyền thống đón năm mới của người Nhật.

Nếu bạn muốn trải nghiệm khoảnh khắc đặc biệt này trong dịp năm mới tại Nhật thì núi Takao là địa điểm lý tưởng để đón bình minh mà bạn nên ưu tiên trong danh sách của mình.

Những Hoạt Động Xuyên Suốt Trong Năm Mới Của Người Nhật

Hatsumode – Đi Lễ Chùa Đầu Năm

dac-trung-van-hoa-nhat-ban
Người Nhật thường đi lễ chùa đầu năm mới cầu bình an - Nguồn: happy-card.jp

Giống người Việt mình, người Nhật cũng đi lễ chùa đầu năm mới để cầu chúc sức khỏe, may mắn và hạnh phúc cho mình và người thân. Khi đi lễ chùa, bạn có thể mua một Omikuji – lá giấy dự đoán tương lai. Omikuji tương tự như hình thức xin xăm mà nhiều người Việt thường làm khi đi chùa đầu năm, những Omikuji này sẽ cho bạn biết năm mới của bạn thuận buồm xuôi gió hay tai ương cách trở.

dac-trung-van-hoa-nhat-ban
Cây Omikuji ở các ngôi đền, chùa là hình ảnh không thể thiếu của mỗi dịp năm mới tại Nhật - Nguồn: lightslant.wordpress.com

Khi Omikuji mang thông điệp không may, người Nhật sẽ cột chúng lên cành cây. Thông điệp càng xấu thì nên cột nhánh cây càng cao vì họ tin rằng điều này sẽ xóa bỏ điềm rủi và vận may sẽ lại đến.

Nengajo – Một Tấm Thiệp Trao Đi Là Tình Thân Lan Tỏa

Mặc dù công nghệ thông tin đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhiều người Nhật vẫn giữ cho mình truyền thống đáng quý này khi gửi Nengajo – thiệp mừng năm mới cho bạn bè và người thân. Nengajo thường được ưu ái đọc vào sáng sớm ngày đầu năm mới, để những lời chúc trở thành hiện thực.

 Otoshidama – Lì Xì Trẻ Em

Otoshidama là điều mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng mong ngóng mỗi dịp tết đến xuân về. Đây là món quà tinh thần người lớn dành tặng cho trẻ em với mong muốn mỗi đứa trẻ sẽ khỏe mạnh và học hành chăm ngoan khi thêm một tuổi mới. Giá trị của Otoshidama phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ và mối quan hệ trong gia đình.

dac-trung-van-hoa-nhat-ban
Trẻ em Nhật nhận lì xì mừng tuổi vào dịp Tết - Nguồn: japan.net.vn

Tiền lì xì được bỏ trong những phong bao nhỏ, trang trí vui mắt còn được gọi là Pochibukuro. Điều này tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua dẫn đến những xích mích không đáng có trong ngày tết.

Nhìn chung, ngày tết ở Nhật Bản có rất nhiều phong tục truyền thống xuyên suốt mùa lễ đón năm mới với nhiều tầng ý nghĩa. Bạn có thể ngạc nhiên thích thú với những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây đồng thời xuýt xoa khi bắt gặp những điều giống nhau với cái tết quê nhà. Đây là những nét đặc trưng đáng chú ý giúp bạn hiểu sâu hơn về văn hóa và con người nơi đây để dễ dàng hòa nhập hơn khi sống và làm việc tại một đất nước có bề dày lịch sử như Nhật Bản.


Nếu có bất kỳ câu hỏi nào xin hãy để lại bình luận phía dưới hoặc cùng thảo luận trên diễn đàn tokyodayroi.com với bọn mình và mọi người nhé.

Chúc các bạn thành công !


DANH SÁCH BÌNH LUẬN

Chưa có bình luận nào cả. Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này !



Ý KIẾN CỦA BẠN