Những điều cần biết trước khi tham dự một lễ tang tại Nhật

danh-sach-top-5-sim-gia-re-o-nhat-ban
Nhung-dieu-can-biet-truoc-khi-tham-du-mot-le-tang-tai-Nhat
Văn hóa Nhật Bản

Những điều cần biết trước khi tham dự một lễ tang tại Nhật

thong-bao-tokyodayroi Hướng dẫn cách tạo CV tiếng Nhật online xem tại đây.

Chuyện nhân gian vui buồn đều có, ai qua được vòng đời sinh tử. Bỗng nhiên một ngày, bạn nhận được tin về một người quen hoặc người thân ra đi. Bên cạnh nỗi buồn hiển nhiên không thể tránh khỏi thì là sự bối rối không biết nên làm gì. Đây là nỗi niềm chung của những ai lần đầu đến tham dự lễ tang tại Nhật. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn tất cả những thông tin cần biết để tham dự tang lễ đúng nghi thức và truyền thống văn hóa của người Nhật Bản.

Chuẩn bị trước khi tham gia lễ tang tại Nhật

Trang phục cho lễ tang

Khi viếng lễ tang tại Nhật, bạn phải mặc trang phục màu đen để thể hiện sự thành kính. Chi tiết trang phục như sau:

- Với nam giới: áo sơ mi trắng, vest đen, cà vạt đen, giày đen, một chiếc khăn tay nhỏ màu trắng

- Với nữ giới: váy liền màu đen dài từ đầu gối trở xuống, tất liền quần màu đen, áo khoác đen, một chiếc khăn tay nhỏ màu trắng. Phụ nữ cũng có thể mặc vest đen nhưng phải đi cùng giày thấp.

Ngoài ra, trẻ em và học sinh có thể mặc đồng phục đi học, người lớn tuổi thường mặc kimono đen kèm thắt lưng đen.

Bên cạnh trang phục, bạn cũng cần lưu ý những điểm sau về ngoại hình để tránh những vấn đề phản cảm khi tham dự  tang lễ tại Nhật:

- Không sơn móng tay

- Tránh để màu tóc nhuộm sáng màu, nếu có hãy nhuộm tối màu lại trước khi tham dự lễ tang

- Không đeo đồ trang sức trừ nhẫn cưới, đồng hồ, chuỗi ngọc trai

- Không đi giày hở ngón chân, giày boot màu đen cũng không hợp lệ

- Không mang các loại trang phục có phụ kiện kim loại đính lên như túi xách, giày, thun cột tóc, kẹp cà vạt… Tất cả vật dụng nên là màu đen

- Tuyệt đối không đội mũ hoặc đeo kính râm, để cẩn thận hãy mang theo một chiếc ô màu đen để che nắng hay mưa

- Tránh mặc quần áo có vết rách đến lễ tang, hãy kiểm tra trang phục thật kỹ tại nhà

Phúng điếu  - 香典(こうでん)

Bạn cần chuẩn bị loại phong bì dành riêng cho việc phúng điếu, có nhiều loại được bán tại konbini và siêu thị cho bạn lựa chọn. Bạn có thể tham khảo các mẫu phong bì dành riêng cho việc phúng điếu sau:

Số tiền phúng điếu sẽ tùy thuộc vào mối quan hệ và mức độ thân thiết của bạn với người đã khuất. Sau khi cho tiền phúng điếu vào phong bì, bạn điền tên mình lên mặt trước.

 Bạn có thể tham khảo mức phúng điếu trung bình sau: 

- Dành cho ông bà: 10.000 yên

- Dành cho cha mẹ: 50100.000 yên

- Dành cho anh chị em: 50.000 yên

- Dành cho họ hàng: 10.000 yên

- Dành cho đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm: 5000 yên

Chuỗi Cầu Nguyện - 数珠(じゅず)

Chuỗi cầu nguyện là vật dụng cần thiết khi đi lễ tang hoặc đám giỗ tại Nhật. Bạn nên chuẩn bị vật dụng này, có thể mượn hoặc mua mới với giá từ 1.500 yên - vài trăm vạn yên.

Nên dự tang lễ ở Nhật vào thời gian nào?

Tang lễ ở Nhật thường chia làm hai thời gian, nếu là khách thì bạn nên đến tham dự vào đêm trước lễ.

- Đêm trước lễ 通夜(つうや)dành cho gia đình, người thân, bạn bè, người cùng công ty đến viếng. Đêm trước lễ có ý nghĩa để những người quen của người đã khuất  gặp mặt trước ngày tiễn biệt

- Lễ tiễn biệt 葬儀  (そうぎ )  chỉ dành cho gia đình và người thân thiết. Tuy nhiên, trong vài trường hợp đặc biệt, các khách khác cũng có thể tham dự buổi lễ này.

 Trình tự tham gia lễ tang ở Nhật dành cho khách

Việc đầu tiên bạn cần làm khi đến tham gia bất kỳ tang lễ nào ở Nhật là trao phúng điếu cho thân chủ tại quầy tiếp nhận, bạn ghi tên và địa chỉ của mình vào sổ lưu chép.  Lúc này, bạn sẽ được nhận một món quà nhỏ gọi là đáp lễ từ gia quyến thay cho lời cảm ơn về sự hiện diện của bạn.

 Sau đó, bạn chào hỏi người thân trong nhà và vào khu vực lễ đường. Tại lễ đường, đài hoa dành cho người đã mất được thực hiện rất chỉn chu, xếp dài bao quanh di hài của người quá cố. Bạn vào ghế ngồi và nghe sư thầy đọc kinh cầu nguyện. Trong lúc sư thầy đọc kinh, bạn cầm chuỗi cầu nguyện lồng vào hai bàn tay chấp lại và cầu nguyện cho người đã khuất.

Sau khi sư thầy kết thúc, từng người một sẽ đến thắp nén hương tiễn biệt - 焼香 しょうこうtrên đài hoa của người đã khuất. Nghi thức hành hương được thực hiện như sau:

- Đến bàn thắp hương, bạn lồng chuỗi cầu nguyện vào tay, chấp tay chào di ảnh người đã khuất

- Dùng tay phải bỏ một chút bột hương cho nhẹ nhàng vào lư hương

- Chấp tay một lần nữa và cúi người chào di ảnh người đã khuất

- Quay người về phía gia đình người ấy, thực hiện nghi thức chào rồi quay về chỗ ngồi

Phần cuối buổi lễ sẽ do người con trai trưởng lên phát biểu cảm nghĩ và gửi lời cám ơn đến mọi người đã đến tham gia tang lễ.

Lễ tang ở Nhật diễn ra như thế nào?

Nhật Bản là đất nước giàu truyền thống văn hóa, chính vì vậy, lễ tang ở Nhật là nghi lễ được thực hiện cực kỳ trang trọng  và tuân theo nhiều quy định cũng như phong tục tập quán. Tùy theo vùng miền mà lễ tang có thể khác nhau nhưng nhìn chung đều quy về hai hình thức mai táng là thổ táng hoặc hỏa táng, hai cách thức tiến hành tang lễ là diễn ra tại nhà riêng hay tại chùa. Nếu người đã khuất không có tôn giáo đặc biệt thì lễ tang luôn được tiến hành theo nghi thức Phật giáo.

Giọt nước của khoảnh khắc cuối cùng - 末期の水 - matsugo no mizu

Đây là tên gọi của hành động làm ẩm hay ướt nhẹ môi người chết trước và sau khi người ấy vừa qua đời. 末期の水 được thực hiện bởi người thân trong gia đình.

Sửa soạn cho người đã khuất

Người đã khuất được tắm rửa và khâm liệm, đôi khi sẽ được trang điểm. Người Nhật mặc trang phục kimono màu trắng cho người đã mất, đặt vạt áo trái trước và vạt áo phải lên trên. Không chỉ kimono, tất cả các trang phục khác của người chết đều là màu trắng từ thắt lưng, mũ, bao tay, vớ…

Lễ nhập quan – nōkan

Lễ nhập quan là buổi lễ nhỏ được thực hiện để đặt thi hài người chết vào quan tài. Thi hài được đặt trên đá khô, bên trong quan tài được đặt các vật dụng như một bộ kimono trắng, một đôi dép, đồ mã các vật dụng mà người đã khuất yêu thích.

Đặc biệt, người Nhật luôn đặt 6 đồng xu vào trong quan tài theo quan niệm để người chết trả tiền qua sông Sanzu – dòng sông dưới âm phủ. Một số nơi, người đã mất được đặt một con dao găm lên trên ngực để xua đuổi tà ma.

Quan tài được đặt hướng bắc hoặc hướng tây – hướng của cửa Phật.

Lễ tang và lễ tiễn biệt

Khi một người qua đời, người thân sẽ thông báo đến đồng nghiệp, bạn bè và người quen của người đó. Tang lễ được lo chu toàn bởi con trai cả hoặc chọn người phù hợp nếu người đã khuất không có con trai.

Đêm trước lễ - 通夜 (つうや)sẽ dành để đón khách đến thăm người đã mất và lễ tiễn biệt - 葬儀  (そうぎ ) dành cho gia đình đưa người đã khuất đi hỏa táng.

Chi phí của một lễ tang tại Nhật

 Một tang lễ tại Nhật luôn được diễn ra khá long trọng, ước tính chi phí khoảng 1.950.000 yên bao gồm nghi thức, vật dụng khoảng 1.210.000 yên, thức ăn & nước uống 300.000 yên, tiền cho sư thầy 470.000 yên.

Tiền phúng điếu được ước tính từ 680.000-880.000 yên. Như vậy, gia chủ phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để thực hiện tang lễ, chưa kể đến phí thuê đất hàng năm để xây mã trong chùa và thực hiện lễ nghi dọn dẹp.

Vậy nên, người Nhật thường có kế hoạch tài chính cho các loại chi phí này để sau khi mất có thể phần nào giảm gánh nặng cho người thân.

Qua bài viết này, bạn có thể thấy tang lễ ở Nhật diễn ra với rất nghiều nghi lễ và quy tắc, tuy trang trọng nhưng không hề ồn ào và người tham gia vẫn cảm nhận được tình yêu thương và sự đồng cảm dành cho gia quyến. Mong rằng thông tin từ bài viết này sẽ giúp ích cho bạn khi tham gia lễ tang tại Nhật, giúp bạn tránh những bỡ ngỡ và rắc rối có thể xảy ra vì khác biệt văn hóa.


Nếu có bất kỳ câu hỏi nào xin hãy để lại bình luận phía dưới hoặc cùng thảo luận trên diễn đàn tokyodayroi.com với bọn mình và mọi người nhé.

Chúc các bạn thành công !


DANH SÁCH BÌNH LUẬN

Chưa có bình luận nào cả. Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này !



Ý KIẾN CỦA BẠN