Bí quyết tự học tiếng Nhật và đạt N3 trong 1 năm

avatar-Dương Thúy
Dương Thúy
Quản trị viên 2021-04-27 21:49:36
Bi-quyet-tu-hoc-tieng-Nhat-va-dat-N3-trong-1-nam
Hướng dẫn cách tạo CV tiếng Nhật online xem tại đây.

Hiện nay có khá nhiều lộ trình tự học tiếng Nhật. Bản thân mình có cách học hơi khác người (kanji first) nhưng lại tỏ ra khá hiệu quả trong việc thi N và cải thiện khả năng reading. Thông thường thì các bạn sẽ học theo giáo trình Minna/Genki, với mỗi bài sẽ học một lượng từ vựng và ngữ pháp cố định đồng thời tập đọc và nghe. Còn cách học của mình là cram thật nhiều kanji với từ vựng trước, rồi học ngữ pháp, rồi mới luyện các kỹ năng đọc và nghe.

Giai đoạn 1: Học hiragana và katakana (khoảng 2-4 tuần).

Chú ý tập viết đúng thứ tự nét. Nên sử dụng Anki để luyện trí nhớ và phản xạ.

Giai đoạn 2: Cày kanji song song với từ vựng theo phương pháp của KanjiDamage (6 tháng - 1 năm).

Bắt buộc phải sử dụng Anki hoặc 1 app SRS nếu không muốn học trước quên sau

Cần tạo thói quen tự giác mỗi ngày học x kanji (x < 10) và ôn hết Anki, nếu hôm nay bận không học được thì ngày mai phải học bù thêm phần của hôm nay. Mỗi khi bắt gặp một từ mới thì chịu khó tra từ điển và add vào Anki.

Trừ khi bạn theo ngành Nhật thì không cần quá chú trọng về vấn đề viết đúng, chỉ cần viết được những chữ cơ bản là đủ rồi. Ở thời đại CNTT hiện nay thì ngay cả chính người Nhật cũng chưa chắc đã viết được những chữ kanji mà họ đọc hàng ngày. Thi N cũng không có phần viết.

Cần tạo thói quen tự giác mỗi ngày học x kanji (x < 10) và ôn hết Anki.

Không nhất thiết chữ nào cũng cần học âm Hán-Việt. Có những kanji âm Hán-Việt của nó xuất hiện trong tiếng Việt, quen thuộc với người Việt thì mình học để có thể từ âm Hán-Việt suy ra cả nghĩa lẫn cách đọc ON, ví dụ chữ 強 từ âm Hán-Việt cường mình có thể suy ra nghĩa là mạnh và cách đọc ON là KYOU, một mũi tên trúng hai con chim. Tuy nhiên không ít chữ âm Hán-Việt chẳng giúp ích gì cho việc nhớ nghĩa cả, ví dụ chữ 曜 — diệu — YOU — thứ trong tuần thì bạn chỉ cần học âm ON với nghĩa.

Để nhớ một kanji được cấu tạo từ những kanji nhỏ hơn mà bạn đã học, bạn nên tạo ra một câu chuyện với những kanji đó. VD khi mình học chữ 種 có nghĩa là chủng loài, vì trước đó mình đã học chữ 禾 (lúa) và 重 (nặng) nên mình sẽ tự lẩm nhẩm câu “lúa nặng phụ thuộc vào chủng lúa”. Và mỗi khi gặp lại chữ này (ngoài đời hoặc trong Anki), nếu mình không nhớ thì mình sẽ nhẩm lại những chữ kanji thành phần và tự nhiên câu chuyện mình từng bịa ra sẽ quay lại trong ký ức.

Phương pháp này được gọi là mnemonic. Mnemonic tốt nhất là do chính bạn tự nghĩ ra dựa vào những kiến thức, trải nghiệm, tính cách của bạn. Chỉ nên tham khảo mnemonic của người khác khi bí ý tưởng. Đối với những kanji được cấu tạo từ 3–4 chữ kanji nhỏ thì bạn cần phải sáng tạo và nghĩ nhiều hơn để tạo ra mnemonic của riêng mình. Hầu hết thời gian học kanji mới của mình là để dành cho việc nghĩ mnemonic.

Chính vì điều trên cho nên thứ tự học kanji tốt nhất là học theo cấu tạo chữ (construction order hay component order). Cách này trái ngược với hầu hết sách vở là dạy kanji theo thứ tự ý nghĩa, tức là giống trẻ con Nhật Bản học kanji (N5 -> N4 -> N3 -> N2 -> N1). Tuy nhiên chúng ta không có điều kiện sinh sống ở môi trường bản xứ, cũng không có nhu cầu kanji để sinh hoạt hay để học các môn văn hóa khác. Vậy nên ta sẽ học những chữ có cấu tạo đơn giản trước (dù chữ đấy có thể ở N2 hay N1) rồi học những chữ nhiều nét hơn được cấu thành từ những chữ mình đã học. Người đầu tiên nhận ra và áp dụng điều này là James Heisig với quyển sách Remembering the Kanji (1977). Tuy nhiên quyển RtK thiếu khá nhiều thông tin. Hiện nay thì có thêm nhiều tài liệu kế thừa từ ý tưởng trên. Chẳng hạn như KanjiDamage (nguồn mình học) bổ sung thêm cách phát âm, những từ thông dụng của mỗi kanji,…, cùng với cả những mnemonic thô thiển. Còn trang WaniKani thì tích hợp cả SRS, xịn hơn vì nó… là trang trả phí.

Sự thật về kanji (tiếng Anh)

Với việc học theo thứ tự cấu tạo + mnemonic + Anki thì trong 10 tháng mình đã có ~1800 kanji và ~4000 từ vựng, với nhịp độ 6 kanji/ngày và mỗi ngày mình dành chưa đến 1 giờ cho việc ôn chữ cũ lẫn học chữ mới. Chìa khóa để vượt qua giai đoạn này là tính kỷ luật và kiên trì.

Giai đoạn 3: Học qua ngữ pháp: Tae Kim’s guide, hoặc Minna/Dekiru/Genki (2–4 tuần)

Có nhiều giáo trình học ngữ pháp tiếng Nhật. Dân FPT thì dùng Dekiru, dân Việt Nam nói chung thì chuộng Minna, bọn nước ngoài thì lại chuộng Genki hơn. Giáo trình truyền thống cũng ok nhưng có nhiều điểm mình không đồng tình, tiêu biểu là việc dạy thể lịch sự (thể -masu) của động từ trước thể từ điển, vì nếu sau này nếu học lên các thể chia động từ nâng cao thì người học sẽ bị bối rối một cách không cần thiết. Những vấn đề của giáo trình truyền thống thì trang của Tae Kim cũng nói khá nhiều.

Học ngữ pháp tiếng Nhật.

Tư tưởng của mình khi học một ngôn ngữ mới là không quá quan trọng việc học ngữ pháp, ngữ pháp chỉ cần đủ tối thiểu để mình có thể bắt đầu đọc/nghe phim, truyện,… Và trang Tae Kim hoàn toàn phù hợp với mục đích này của mình. Ngoài ra cách thằng này diễn giải ngữ pháp tiếng Nhật khá là gần gũi và trực quan.

Giai đoạn 4: Đọc, đọc và đọc

Đối với những người tự học ngoại ngữ thì cách tốt nhất để cải thiện vốn từ và trực giác ngữ pháp là đọc! Thật may tuy tiếng Nhật khó nhưng văn hóa giải trí của Nhật Bản lại vô cùng phong phú. Phim, nhạc, game, manga, anime, LN, VN, 2ch, tiểu thuyết,… chọn bất cứ thứ gì bạn thích và phù hợp với trình độ rồi thưởng thức thôi. Vì trước đó bạn đã xây dựng được vốn kanji và từ vựng tương đối nên việc cày tư liệu ở mức độ trung bình-khó sẽ trở nên thoải mái hơn phần nào.

Từ giai đoạn này về sau bạn vẫn cần phải duy trì thói quen sử dụng Anki mỗi ngày.

Phụ lục: Tự ôn thi N

Thi N (chính thức gọi là JLPT) gồm 3 phần là kanji-từ vựng-ngữ pháp, đọc, nghe. Thi N không có nói hay viết, do đó bạn hoàn toàn có thể down sách rồi tự ôn thi ở nhà. Một số sách mình đã từng sử dụng: Soumatome Bunpou, Pattern-Betsu Tettei Drill, Goukaku Dekiru, Moshi to Taisaku, 55 Dokkai, 55+ Dokkai,…

Số lượng đề thi thử trên mạng vô cùng khan hiếm (hồi trước mình chỉ tìm được 1 cái đề trên trang chủ của JLPT với 2 đề trong quyển Moshi to Taisaku), bạn nên để dành đề đến lúc gần thi thì làm. Nếu xin được đề của ai trên lớp luyện thi thì tốt hơn.

Chú ý ôn kỹ phần nghe, nghe của JLPT khá khó, một phần là vì các cơ sở tổ chức thi ở Việt Nam setup âm thanh không tốt (phòng không cách âm, loa rè, bên ngoài ồn, bla bla). Lúc luyện nghe nên bật từ loa thay vì tai nghe.

Chú ý ôn kỹ phần nghe, nghe của JLPT khá khó.

Đề N dài, khi thi quan trọng nhất là quản lý và phân phối thời gian, tuyệt đối không chày cối làm mấy câu khó.

Lời cuối

Phải bỏ ra rất nhiều thời gian xây dựng vốn từ và chữ để làm gì? Cách học của mình đặt trọng tâm vào việc đọc thật nhiều native material, giống như cách mà mình đã từng học tiếng Anh. Tuy nhiên tiếng Anh chỉ có 26 ký tự, còn tiếng Nhật thì có >2000 ký tự nên nếu vốn kanji chưa đủ thì việc tra từ điển sẽ là một cực hình, trừ khi bạn chọn đọc văn học thiếu nhi. Nếu kanji là bức tường lớn nhất của tiếng Nhật thì mình nên xử lí nó đầu tiên.

Nhược điểm của cách học này là dễ gây nản chí, mình đã từng học 9 tháng và vẫn không thể đọc được một văn bản đơn giản (vì chưa học ngữ pháp). Vì vậy trong quá trình cày kanji bạn có thể mix một ít ngữ pháp, một ít reading,… để cảm thấy “thoải mái” hơn. Dù sao thì phương pháp học cũng chỉ là một thứ mang tính chất cá nhân. Bạn tự học, bạn có quyền tham khảo tất cả phương pháp khác nhau của mọi người rồi tự tạo ra kế hoạch cho riêng mình. Duy chỉ có một điểm chung giữa các phương pháp: đó là sự kiên trì, đam mê và niềm tin vào những gì bạn đang làm.

Chúc các bạn thành công trên con đường chinh phục thứ tiếng khó nhất quả đất và sớm đạt được mục tiêu đề ra.

(Nguồn: Học tiếng Nhật khó như leo núi)


0 comment
2,860 views
1

dang-ky-mot-so-loai-sim-gia-re-o-nhat-ban

DANH SÁCH BÌNH LUẬN

Chưa có bình luận nào cả. Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này !



Ý KIẾN CỦA BẠN


Bài viết ngẫu nhiên khác

Bài viết mới nhất


Bài viết xem nhiều


Thành viên tích cực

tags

おすすめ

Nếu có thắc mắc gì, đừng ngần ngại đặt câu hỏi bạn nhé.