Kinh nghiệm chuyển việc tại Nhật Bản: Cần lưu ý những vấn đề gì?

avatar-Dương Thúy
Dương Thúy
Quản trị viên 2021-02-15 02:13:02
Kinh-nghiem-chuyen-viec-tai-Nhat-Ban:-Can-luu-y-nhung-van-de-gi
Hướng dẫn cách tạo CV tiếng Nhật online xem tại đây.

Chuyển việc tại Nhật Bản cần lưu ý những vấn đề gì để thuận lợi, dễ dàng nhất? Với những những bài học kinh nghiệm mình nhận ra sau lần chuyển việc vừa rồi và cả các lần trước sau khi nhận được một số phản hồi và câu hỏi của các bạn về chuyển việc, mình sẽ viết ngắn gọn và cô đọng nhất có thể. Bài viết hoàn toàn từ quan điểm và kinh nghiệm cá nhân nên không thể đúng trong mọi trường hợp mong mọi người thông cảm.

1. Vì sao quyết định chuyển việc? (WHY)

Trên mạng có rất nhiều lời khuyên về vấn đề này nên ở đây mình chỉ nói ngắn gọn là với mình, thời điểm chuyển việc thích hợp là khi: mình đã cố gắng hết sức trong công việc, đạt được 1 số thành tựu nhất định và được công nhận năng lực tuy nhiên cảm thấy không còn cơ hội phát triển/quá bận rộn không còn thời gian cho bản thân và gia đình nhưng cũng không thể chuyển nội bộ công ty sang 1 vị trí phù hợp hơn. 

Suy nghĩ kỹ càng xem liệu đây có phải phương án tốt nhất hay không và lý do chuyển việc đã thuyết phục chưa.

Tuy nhiên, cũng có thể vì lý do khác bất khả kháng như công ty chuyển đi quá xa mà lại đang nuôi con nhỏ, lại ko được làm từ xa 100%, không thể chuyển nhà. Đây cũng chính là lý do cho lần chuyển gần nhất của mình.

Sở dĩ mình chọn câu hỏi này là xuất phát điểm của bài viết là bởi vì câu trả lời này sẽ đi theo chúng ta trong suốt quá trình chuyển việc, đặc biệt là trong quá trình phỏng vấn vì 100% interviewer sẽ hỏi bạn vì sao muốn chuyển việc. 

Mình đã từng tự ti vì số lần chuyển việc hơi bị nhiều so với trung bình của Nhật và có lẽ vì thế cũng bị đánh trượt từ vòng hồ sơ ở những công ty để ý số lần chuyển việc. Tuy nhiên những công ty đã cho qua vòng hồ sơ và mời phỏng vấn thì mình thường qua hầu hết các cuộc phỏng vấn, 1 phần vì đưa ra được lý do chuyển việc thuyết phục và đã có những cống hiến nhất định cho các công ty trước đó. 

Do vậy trước khi quyết định chuyển cần suy nghĩ kỹ càng xem liệu đây có phải phương án tốt nhất hay không và lý do chuyển việc đã thuyết phục chưa. Nếu có con nhỏ thì cần xem người thân có giúp đỡ trông con đón con, làm việc nhà khi mình bận không vì thời gian đầu vào công ty mới sẽ nhiều thử thách. Nếu đã đủ lý do thuyết phục thì bước tiếp theo là lên kế hoạch và hành động.

2. Xác định thời gian bắt đầu chuyển việc và thời gian thực hiện (WHEN/HOW LONG)

Nếu bạn có ý định chuyển việc nghiêm túc chứ không phải cho vui và không có nhiều thời gian thì nên tính toán thời gian và lên chiến lược rõ ràng. 

Cụ thể trong trường hợp của mình: muốn vào công ty đầu tháng 5 sau khi con đã đi học được 1 tháng quen trường lớp, lại muốn apply vào công ty bình thường kiểu 事業会社 chứ không phải consulting nên cần trừ đi khoảng 2 tháng (thông thường vị trí bên accounting/finance thường là replacement nên công ty không đợi được lâu như consulting), như vậy là cần có naitei tầm tháng 3. Quá trình ứng tuyển và phỏng vấn sẽ mất tầm 1-2 tháng nữa cho nên cần bắt đầu từ tháng 1/2020.

3.Xác định công việc/vị trí/công ty mong muốn. (WHAT)

Vấn đề này cần thời gian chứ khó mà làm 1 sớm 1 chiều. Và đây cũng là bước hết sức quan trọng. Kể từ khi nghỉ sinh và biết công ty sẽ chuyển trụ sở là mình bắt đầu để ý các thông tin tuyển việc gửi từ headhunters và các trang như mynavi, recruit, etc. 

Để hình dung hiện tại thị trường đang có những vị trí nào, cần người có kinh nghiệm bằng cấp thế nào và đối chiếu với bản thân cũng như nghĩ xem mình muốn 1 công việc như thế nào tiếp theo (bạn có thể hỏi người thân, đồng nghiệp cũ, bạn bè hoặc làm test trắc nghiệm trên các trang tìm việc để hiểu rõ hơn về bản thân).

Ngoài ra, chiêm nghiệm lại những thành tựu mình đã làm được, điểm lại những thử thách mình đã vượt qua, nhìn lại những sai lầm đã mắc cũng là cách rất tốt để hiểu bản thân và chuẩn bị cho phỏng vấn vì những điều này chắc chắn sẽ bị hỏi.

Lựa chọn công việc phù hợp.

Sau khi đã phân tích và hiểu rõ bản thân muốn gì thì tiếp theo là làm thế nào để lọc JD nhanh nhất hoặc truyền tải tới headhunter chính xác nhất mong muốn của bản thân. Nếu bạn làm việc với nhiều headhunter và đăng ký nhiều trang tìm việc như mình thì nhiều khả năng là bạn sẽ bị ngập trong các thông tin việc làm. Để lọc thông tin và apply hiệu quả thì mình đã suy xét dựa trên các yếu tố chính như sau:

+ Yếu tố khách quan: 

(1) Nội dung và level của công việc (beginner/mid-level/manager level)

(2) Tính chất công việc (làm việc với team hay là stand-alone, report cho ai, có phải công tác thường xuyên ko, etc.), khả năng phát triển, thăng tiến trong tương lai,

(3) Địa điểm công ty 

Vì có con nhỏ nên mình chỉ chọn công ty có chế độ work-from-home và địa điểm thì gói gọn 1 tiếng door-to-door

(4)  yêu cầu về thời điểm vào công ty

Mình kiên quyết chỉ vào đầu tháng 5 nên công ty nào yêu cầu vào gấp trước đó thì mình không chọn

(5) Giờ giấc, chế độ đãi ngộ, uy tín, văn hoá cty

Về văn hoá công ty các bạn có thể nghe từ người quen đang làm ở đó, hay lên các trang đánh giá công ty như openwork (trước là Vorkers), glassdoor, search các bài báo về công ty, hoặc tìm hiểu qua headhunters. Tuy nhiên theo mình cảm nhận chính xác nhất là khi đi phỏng vấn.

+ Yếu tố chủ quan: 

(1) Công việc có phù hợp với mong muốn của bạn không? 

(2) Bạn có thiện cảm với business công ty không? 

Câu này nghe hơi thừa nhưng với mình lại rất quan trọng. Mình đã thông báo thẳng với headhunter là không đưa cho mình JD của mấy công ty bán chất kích thích, gambling vì mình ko thể đồng cảm với sản phẩm của họ nên có vào cũng ko hết mình được.

Chúng ta nên hết sức trung thực với tình hình bản thân, gia đình, không nên với quá cao và cũng không nên hạ tiêu chuẩn quá thấp. Điều này cũng như khi bán 1 sản phẩm, cần hiểu rõ value proposition của nó và xác định thị trường/khách hàng mục tiêu.

4. Chọn kênh chuyển việc và thực hiện quá trình (HOW/WHERE)

Có nhiều cách để chuyển việc, chủ yếu là: dùng agent, tự apply trên mạng, thông qua hội chợ việc làm, thông qua bạn bè giới thiệu. Với chuyển việc thì mình đã dùng 2 kênh là agent (Amazon, VW) và hội chợ việc làm (Deloitte). Ở bài này mình sẽ chỉ đề cập đến kênh agent vì nó khá phổ biến. Với kênh này thì cần 1 số lưu ý:

+ Headhunter cũng có người nọ người kia, cần giữ đầu óc tỉnh táo không để họ ấn cho mình những job không phù hợp làm mất thời gian của bản thân

Mình đã từng bị giới thiệu 1 công việc không phù hợp với mong muốn và kinh nghiệm bản thân, tất nhiên là mình từ chối dù bên kia cố gắng quảng cáo, nhưng mình lại thích công ty đó nên bảo headhunter là có vị trí phù hợp thì giới thiệu (quả nhiên sau đó họ đã tìm được vị trí phù hợp cho mình).

Lưu ý, cẩn thận khi làm việc với headhunter để lựa chọn công việc phù hợp.

+ Headhunter chưa chắc đã đánh giá đúng được năng lực của bạn nếu chỉ tiếp xúc qua email

Khi có cơ hội nói chuyện tiếp xúc với headhunter, cố gắng thể hiện rõ năng lực và kinh nghiệm bản thân cũng như tính cách, hoàn cảnh gia đình, công việc mong muốn, v.v.. nhờ đó họ mới hiểu mình và tìm cho mình những công việc phù hợp.

+ Cố gắng hỏi headhunter lý do vì sao công ty tuyển vị trí này

Nếu đó là replacement thì hỏi lý do vì sao nhân viên cũ ra đi và người đó đã làm bao lâu ở vị trí đó. Điều này có thể mang lại 1 số thông tin giúp mình đánh giá về công ty và vị trí định ứng tuyển.

+ Trung thực với headhunter về tình trạng phỏng vấn của bạn và cố gắng thu xếp để giữ nhịp phỏng vấn của các công ty đồng đều nhau nếu bạn apply nhiều công ty 1 lúc

Mình đã từng sợ là nếu nói thật mình đang phỏng vấn mấy chỗ khác thì nhỡ headhunter mất hứng rồi không nhiệt tình giúp mình nữa thì sao. Nhưng thật sự nếu họ thấy giá trị của bạn thì họ sẽ tìm cách giành giật bạn từ headhunter khác. 

Mình đã nói thẳng với 1 headhunter là mình sắp phỏng vấn vòng cuối của 3 công ty khác (không cần nói tên, cung cấp tên ngành business là được) do các headhunter khác giới thiệu và thế là bạn đó đã giục Amazon thu xếp phỏng vấn nhanh đến bất ngờ. Chỉ vài ngày sau đó họ đã thu xếp 5 cuộc phỏng vấn cuối cùng trong 2 ngày liên tục.

+ Headhunter chuẩn sẽ luôn hỏi mức lương kỳ vọng Đừng đi phỏng vấn khi headhunter không đề cập đến mức lương của công ty và không xác nhận mức lương kỳ vọng của bạn. Mình đã từng gặp phải trường hợp headhunter đưa mức lương kỳ vọng nhầm cho công ty vì họ không hỏi mình kỹ để rồi gây nhiều rắc rối về sau.

Trong suốt quá trình chuyển việc, bạn cũng nên ôn lại kiến thức, cập nhật kiến thức kỹ năng, nhất là đối với những bà mẹ nghỉ sinh lâu ngày không làm việc, hoặc nếu apply vào thể loại công việc mới. Chuẩn bị bản CV rõ ràng, ngắn gọn, trung thực nhưng nêu bật được kinh nghiệm và điểm mạnh của bản thân cũng rất cần thiết. 

Vấn đề này mình không nêu rõ ở đây vì các bạn có thể tham khảo rất nhiều nguồn. Mình chỉ khuyên là các bạn nên trung thực với kỹ năng và kinh nghiệm của mình, làm sao cho nổi bật và phù hợp với công việc ứng tuyển nhưng lại không được nói quá lên vì kiểu gì lúc phỏng vấn cũng sẽ bị lộ.

Điều cuối cùng mình muốn nói là dù đang có ý định chuyển việc hay không thì bạn cũng đừng quên làm tốt công việc hiện tại, đồng thời không ngừng nâng cao và mở rộng kiến thức, kỹ năng, bởi đó cũng chính là sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai dù bạn định ở 1 công ty lâu dài hay không.

Hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích phần nào cho các bạn! Nếu bạn từng có những kinh nghiệm chuyển việc quý báu, hữu ích, đừng ngần ngại chia sẻ với mình ở dưới phần bình luận nhé!

(Nguồn: FB Nguyen Hong)


0 comment
1,109 views
2

dang-ky-mot-so-loai-sim-gia-re-o-nhat-ban

DANH SÁCH BÌNH LUẬN

Chưa có bình luận nào cả. Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này !



Ý KIẾN CỦA BẠN


Bài viết ngẫu nhiên khác

Bài viết mới nhất


Bài viết xem nhiều


Thành viên tích cực

tags

おすすめ

Nếu có thắc mắc gì, đừng ngần ngại đặt câu hỏi bạn nhé.