Dù sang Nhật với bất kỳ mục đích gì như sinh sống, học tập, làm việc hay du lịch thì tất cả người nước ngoài đều phải xác nhận tình trạng cư trú khi vào Nhật Bản. Visa Nhật Bản có đến hơn 20 loại khác nhau. Để nắm rõ hơn về thủ tục cũng như các loại visa, dưới đây Tokyodayroi sẽ tổng hợp một số loại visa Nhật Bản cơ bản nhất.
Visa du lịch Nhật Bản (観光ビザ – Kankou biza) hay còn gọi là visa cho khách du lịch và doanh nhân. Công dân của 68 quốc gia đến Nhật Bản với mục đích du lịch gồm Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, Canada, Vương Quốc Anh và hầu hết các quốc gia châu Âu không cần xin visa (có áp dụng một số quy định và điều kiện) và sẽ được cấp phép lưu trú ngắn hạn tại Nhật Bản.
Du khách ngoài 68 nước nêu trên sẽ phải xin visa trước. Lưu ý rằng ngay cả khi bạn thuộc quốc gia không yêu cầu visa thì vẫn nên cập nhật thông tin thường xuyên vì các quy định này thay đổi định kỳ.
Luật xuất nhập cảnh Nhật Bản quy định rằng du khách từ 68 quốc gia nêu trên có thể du lịch ở Nhật Bản với thời hạn như sau mà không cần visa:
♦ Lưu trú tối đa 15 ngày: Indonesia, Thái Lan, Brunei.
♦ Lưu trú tối đa 30 ngày: Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.
♦ Lưu trú tối đa 90 ngày: Các quốc gia và khu vực còn lại.
Visa lao động Nhật Bản là hình thức visa cho phép bạn có thể lao động, kiếm tiền và nhận lương hợp pháp tại Nhật (chỉ tính là người có kiến thức chuyên môn hoặc trình độ cao). Tại Nhật hiện tại có hơn 12 loại hình visa lao động khác nhau, trong đó mỗi hình thức sẽ cho phép bạn được phép làm việc trong nhiều lĩnh vực, dưới nhiều loại hình kinh doanh khác nhau.
Điều kiện căn bản nhất để xin được visa lao động Nhật Bản là bạn phải có bằng đại học, phải xin được việc làm đúng chuyên ngành tại Nhật. Thông thường, người ta hay gọi visa lao động có bằng cấp này là visa sang Nhật diện kỹ sư.
Người Nhật cho rằng diện visa lao động này bao gồm những người có đóng góp to lớn cho đất nước của họ nên nếu sở hữu visa này, bạn sẽ có nhiều đặc quyền như:
♦ Tự do, thoải mái tham gia nhiều hoạt động ở Nhật.
♦ Có lợi thế hơn trong việc xin visa vĩnh trú tại Nhật.
♦ Được ưu tiên khi làm thủ tục nhập cảnh vào Nhật.
♦ Chồng hoặc vợ của người có visa lao động Nhật Bản được phép đi làm toàn thời gian.
♦ Được thuê công dân người Nhật làm việc cho mình.
♦ Được đưa bố mẹ, người thân sang Nhật Bản.
Nếu bạn đang là học sinh hay sinh viên Việt Nam muốn du học Nhật Bản (trừ học ngắn hạn tại các trường ngôn ngữ) sẽ cần phải xin visa du học Nhật Bản (留学 - Ryuugaku). Điều kiện bắt buộc để bạn xin được visa du học tại Nhật là phải có bảo trợ của một tổ chức giáo dục tại Nhật và chứng minh được tài chính đảm bảo trang trải tất cả các chi phí trong quá trình du học ở Nhật.
Hiện có khá nhiều loại hình visa du học, phân chia theo loại hình học tập (trước đại học, đại học, chương trình trao đổi văn hóa,...). Với diện visa du học, bạn có thể làm thêm theo số giờ tối đa quy định theo tuần.
Visa du học Nhật Bản là loại visa có thời hạn từ 3 tháng đến 4 năm, tùy theo chương trình học. Du học sinh sẽ không được tham gia lao động tính lương trừ khi được Cục Xuất Nhập cảnh cấp phép. Trường hợp được cấp phép thì sẽ được làm thêm trong thời gian quy định, cụ thể là không quá 28 giờ/tuần.
Một trong những loại visa khá phổ biến khi sang Nhật là visa thăm thân - một hình thức visa ngắn hạn. Đây là loại visa cấp cho người thân như bố/mẹ ruột, bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, vợ/chồng, con ruột của người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Nhật hoặc người đã có visa vĩnh trú tại Nhật.
Đối với visa thăm thân, bạn sẽ được cấp phép nhập cảnh 1 lần duy nhất với thời hạn 3 tháng, thời hạn lưu trú tối đa là 20 ngày. Thời hạn lưu trú phụ thuộc vào nhân viên Hải quan nước bạn. Thủ tục xin visa thăm thân Nhật Bản được đánh giá là khá khắt khe nên nếu có ý định xin visa này, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn trọng.
Visa tị nạn được quy định cấp cho những người nước ngoài di cư đến Nhật Bản để cư trú. Cụ thể, tại các quốc gia sinh sống, họ bị đàn áp về chính trị, tôn giáo, chủng tộc và không được bảo hộ, hoặc các quốc gia có chiến tranh thì công dân các nước này sẽ thuộc diện xét duyệt visa tị nạn.
Tuy nhiên, thời gian xét duyệt visa tị nạn khá lâu và trong thời gian xét duyệt, bạn không được phép đi làm ở bất cứ đâu. Vì vậy, nếu bạn có ý định xin visa tị nạn để đi làm thì không nên, thậm chí kể cả khi bạn xin được visa tị nạn rồi thì nhiều công ty cũng không chấp nhận hoặc khó chấp nhận bạn vào làm việc.
Visa y tế Nhật bản là loại hình visa cấp cho những người có nhu cầu sang Nhật Bản để chữa bệnh. Thời hạn của visa y tế thường tối đa là 6 tháng và căn cứ theo yêu cầu điều trị bệnh. Với visa y tế, bạn cũng không được phép tham gia lao động lĩnh lương tại Nhật.
Thực chất, visa kỹ năng đặc định là một dạng biến thể của visa kỹ năng thực tập sinh, cho phép bạn có thể ở lại Nhật trong thời gian dài hơn thay vì chỉ có 3 tháng. Đối với dạng visa này, bạn có thể bảo lãnh gia đình sang sống cùng trong suốt thời gian làm việc, bạn được chuyển việc làm, chuyển công ty trong giới hạn ngành nghề mà visa quy định.
Hiện visa kỹ năng đặc định được chia thành 2 loại:
❖ Visa kỹ năng đặc định loại 1 (特定技能1号): Chỉ cấp cho những lao động đã qua kỳ thi tiếng Nhật và 1 trong 14 ngành nghề được quy định tại Pháp lệnh của Bộ Pháp Vụ Nhật Bản. Thời hạn tối đa của visa kỹ năng đặc định loại 1 là 5 năm.
❖ Visa kỹ năng đặc định loại 2 (特定技能2号): Là loại visa cấp cho người đã hoàn thành xong visa kỹ năng đặc định loại 1. Trong đó, bạn sẽ phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực, về quyền lợi thì bạn sẽ được sống lâu dài tại Nhật, bảo lãnh người thân sang cùng sinh sống. Hiện chỉ có 2 ngành nghề được cấp visa kỹ năng đặc định loại 2 gồm có ngành xây dựng và ngành đóng tàu, hàng hải.
Trên đây là tổng hợp một số loại visa Nhật Bản mà bạn cần nắm được nếu có ý định sang sinh sống, học tập, làm việc hay đơn giản là đi du lịch tại Nhật. Bạn có thể tham khảo để lựa chọn loại visa phù hợp với nhu cầu và mục đích khi sang Nhật nhé!
Chưa có bình luận nào cả. Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này !
Đăng nhập tài khoản tại đây
HOẶC